Crazyhouse

-Vườn địa đàng-

crazy house

Vườn địa đàng

Vườn địa đàng

Chỉ với một bước chân qua cánh cửa nhỏ của “Đáy biển trên cao nguyên”, Quý khách đã lạc bước đến với một thế giới thật khác, nơi được gọi là Vườn Địa Đàng (Garden of Eden) và Vườn Thiên Đàng (Paradise Garden).

Nếu “Vườn Thiên Đàng” là một khu vườn mà con người với hoa lá, cây cỏ, chim chóc, muông thú,… cùng chung sống hòa thuận với nhau, ở đó con người đối xử với nhau không ganh tỵ hay quá bon chen như cuộc sống đầy xô bồ, tấp nập của thế giới ngoài kia thì “Vườn Địa Đàng” lại khắc họa như chính xã hội con người hiện tại mà chúng ta đang sống. Ta có thể gọi nó là “Khu vườn của Trần Gian”, nơi tồn tại song song giữa cái đẹp - xấu, thiện - ác. Gần cửa thông với Thủy Cung, trên mặt đất là bức tượng tái hiện lại một giai đoạn lịch sử của xã hội Việt Nam. Tượng gồm những hình người xếp chồng lên nhau theo thứ tự từ dưới lên: bà cụ lớn tuổi nhất, người đàn ông trung niên, người thanh niên và trên cùng là một con cú đang ngậm chùm nho. Ba con người ốm yếu, đôi vai rũ xuống cùng khuôn mặt buồn bã, đau khổ chính là những người dân cần lao, thân phận thấp bé. Con cú là hình ảnh ẩn dụ của giai cấp bóc lột – những kẻ đứng đầu và được hưởng phần ngon nhất là chùm nho trong khi người thanh niên ngay bên dưới đang ngẩng đầu chờ đợi được hưởng phần thừa từ nó. Đứng giữa khu vườn nhỏ này ta có thể thấy được rất rõ nét ý nghĩa mà nữ KTS muốn thể hiện: trước mắt chúng ta là bức tranh đẹp đẽ với hồ nước trong xanh, cá bơi lội tung tăng, cây cỏ hoa lá đua nhau khoe sắc,… nhưng khi quay lại đó là một bức tường lớn với những bàn tay lớn của quỷ dữ đưa ra như chộp lấy thứ gì. “Bức tường bàn tay Quỷ” nói lên một phần tăm tối của con người hay xã hội bây giờ. Từ xưa đến nay, trong xã hội luôn tồn tại nhiều mặt tốt và mặt xấu. Chính điều này mới làm nảy sinh ra cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ giữa cái thiện và cái ác. Cuộc đấu tranh đó chưa bao giờ kết thúc, vẫn còn tiếp diễn ở nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc sống. Nhưng tất cả đều hướng chung đến cái gọi là sự hoàn hảo, những mặt tăm tối đó luôn cần chúng ta hoàn thiện và hướng chúng đến ánh sáng, đến mặt tích cực, tươi đẹp nhất như chính “Khu vườn Thiên Đàng”.

Bài viết liên quan