PHÒNG LƯU NIỆM BẬC SINH THÀNH CỦA TIẾN SĨ ĐẶNG VIỆT NGA
Quý khách hiện đang ghé thăm Phòng lưu niệm bậc sinh thành của Tiến sĩ Đặng Việt Nga.
Người cha kính yêu của nữ kiến trúc sư Đặng Việt Nga là ông Đặng Xuân Khu, tức Cố Tổng Bí Thư Trường Chinh. Ông sinh năm 1907 và mất năm 1988.
Cố Tổng Bí Thư Trường Chinh đã có một cuộc đời hoạt động cách mạng đầy vẻ vang. Ông đã từng hai lần đảm nhận trọng trách làm Tổng Bí thư và là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; là một nhà lãnh đạo kiệt xuất của Cách Mạng Việt Nam. Những cống hiến của ông mang tầm vóc của một Nhà văn hóa dấn thân đi làm chính trị.
Theo lời của Đồng chí Võ Văn Kiệt thì "Trường Chinh như một sự hoà quyện giữa tính cách của một sĩ phu với phẩm chất của một người cách mạng". Cụ Trường Chinh mang những đặc trưng đáng kính của một nhà Nho "tu thân, tề gia, trị quốc".
Quyển sách "Kháng chiến nhất định thắng lợi" do ông viết đã trở thành quyển sách gối đầu giường của lớp lớp thế hệ những người yêu nước lúc bấy giờ.
Ông Trường Chinh là người sớm ủng hộ những cách nghĩ, cách làm mới, người dẫn dắt công cuộc đổi mới đất nước ở tuổi gần 80. Nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt đã gọi ông bằng cái tên đầy kính trọng “Tổng bí thư của đổi mới”. Ông luôn lắng nghe và thẳng thắn tiếp nhận những ý kiến khác biệt, ông là người thận trọng và thực sự cầu thị, ông không bao giờ vội vã phê phán hay áp đặt ý kiến của mình với bất cứ ai.
Phương châm làm việc của ông là làm bất cứ điều gì cũng phải đào sâu, nghiên cứu, suy nghĩ. Ông rất coi trọng những người có tư duy, dám nói thật, nói rõ quan điểm của chính mình. Với cụ, con người chân chính là dám nhận ra và sửa chữa sai lầm. Ông Trường Chinh là một tấm gương sáng về phong cách, nề nếp làm việc, tính nghiêm túc, thận trọng trong công việc.
Những người từng làm việc với Cố Tổng Bí Thư luôn nhớ về ông với tất cả sự kính trọng và niềm tin vững chắc.
Ngoài việc là một nhà hoạt động cách mạng kiệt xuất, một học giả uyên bác, Cố Tổng Bí thư Trường Chinh còn là một nhà thơ giàu lòng yêu nước, với bút danh Sóng Hồng. Độc giả nhớ đến ông với những vần thơ yêu thương, những vần thơ lửa cháy, kiên quyết, đôn hậu nhưng cũng rất hiền hoà.
Mặc dù ông học Cao đẳng thương mại nhưng ông lại thích nghiên cứu Văn học. Khi còn sinh thời, có lần ông nói với con trai Việt Bích rằng nếu không phải đi làm cách mạng thì cụ sẽ nghiên cứu về Văn học. Dù bận rộn công việc nhưng cụ Trường Chinh rất chăm đọc sách.
Trong gia đình, ông là một người cha mẫu mực. KTS. Đặng Việt Nga được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống yêu nước và truyền thống hiếu học, chính những yêu tố đó đã nuôi dưỡng trong bà những đức tính cao đẹp. Khát khao được sống cống hiến cho quê hương, đất nước luôn cháy bỏng trong trái tim cô gái Việt Nam từ khi còn học tập nơi đất khách quê người.
Các anh em trong gia đình bà Việt Nga vẫn bảo nhau rằng cứ nhìn cha sống và làm việc mà làm gương để tự răn bảo mình. Mới thấy rằng bản chất giáo dục chính là sự làm gương mà không phải là điều gì đó quá xa vời!
Người mẹ dấu yêu của KTS. Đặng Việt Nga là bà Nguyễn Thị Minh một người phụ nữ có ngoại hình thanh tú, nhỏ nhắn, hiền lành, đảm đang, trải qua nhiều vất vả nuôi dạy các con nên người khi chồng lo việc nước. Trong trái tim của KTS. Đặng Việt Nga, mẹ là người phụ nữ chỉnh chu, tận tụy vì gia đình hết lòng giúp đỡ chồng khi ông hoạt động cách mạng và lo cho các con học hành đến nơi đến chốn.
Phòng lưu niệm nằm trong khuôn viên phòng khách của biệt thự Hằng Nga – Crazy House, nơi có điểm nhấn là lò sưởi có hình tượng bộ chày & cối giã gạo đặc trưng Tây Nguyên, cũng gợi nên hình ảnh gia đình, có đôi chày lớn là bố mẹ và chiếc chày nhỏ như là con bên cạnh, gợi nên những tình cảm ấm áp, yêu thương.
Trong phòng lưu niệm có trưng bày những hình ảnh gia đình của Tiến sĩ Đặng Việt Nga, những tác phẩm do ông Trường Chinh viết đã được xuất bản, những bài báo giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của ông. Bên cạnh đó là những kỉ vật của ông bà theo năm tháng. Tất cả tạo nên một không gian trang nghiêm và ấm cúng tại Biệt thự Hằng Nga – Crazy House.
Bàn thờ của ông Trường Chinh cùng phu nhân được kết hợp hài hòa với những họa tiết như đôi chim Lạc mang hình ảnh Việt Nam, biểu tượng thần mặt trời sáng soi. Trần của phòng lưu niệm được làm mái kính mô phỏng hình ảnh mạng nhện, có thể nhìn lên nền trời xanh thẳm, đón ánh sáng tự nhiên, giao hòa cùng thiên nhiên đất trời.
Tác giả công trình – TS. KTS. ĐặngViệt Nga muốn nhắn nhủ rằng: dù có ở đâu, bước chân ta có đi đến những chân trời mới lạ thì trái tim vẫn một lòng hướng về gia đình, quê hương và nguồn cội.